Tìm kiếm

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Truyền thống hiếu học trong lịch sử dân tộc


Trong quá trình dựng nước và giữ nước, công tác giáo dục (GD) ở Việt Nam (VN) hết sức được coi trọng. Qua mỗi thời kỳ, công tác GD có khác nhau. Tuy vậy, từ thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ phong kiến, thời kỳ cận đại và thời kỳ dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do để giữ gìn, xây dựng đất nước, truyền thống hiếu học và khuyến học của dân tộc luôn là dòng chảy văn hóa xuyên suốt lịch sử nước ta. Hầu hết các vương triều phong kiến đều rất quan tâm đến GD, luôn chăm lo đến việc học hành, thi cử.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, công tác giáo dục (GD) ở Việt Nam (VN) hết sức được coi trọng. Qua mỗi thời kỳ, công tác GD có khác nhau. Tuy vậy, từ thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ phong kiến, thời kỳ cận đại và thời kỳ dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do để giữ gìn, xây dựng đất nước, truyền thống hiếu học và khuyến học của dân tộc luôn là dòng chảy văn hóa xuyên suốt lịch sử nước ta. Hầu hết các vương triều phong kiến đều rất quan tâm đến GD, luôn chăm lo đến việc học hành, thi cử.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Con đường tìm người tài giỏi trước hết là khoa học. Phàm muốn thu hút người tài năng tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử”.
Từ khoa thi đầu tiên tổ chức vào đời Vua Lý Nhân Tông năm 1075, đến khoa thi Tiến sĩ cuối cùng của triều đại phong kiến VN tổ chức năm 1919, lịch sử khoa cử VN đã có 844 năm lịch sử với trên 180 khoa thi, có trên 2900 vị đỗ các khoa thi cấp Trung ương (TƯ): khoa Tiến sĩ và chế khoa.
Những triều đại độc lập đầu tiên cyar đất nước: Ngô, Đinh, Tiền, Lê (939 - 1009) vì thời gian tồn tại ngắn ngủi, nội trị, ngoại giao chưa ổn định nên cũng chưa có điều kiện để thực hiện việc GD một cách đầy đủ, toàn diện. Việc học lúc này được thực hiện trong các trường tư, trường do nhà chùa mở, nhưng cũng chưa phát triển mạnh mẽ.
Đến triều Lý (1010 - 1225), Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, ra sức củng cố xây dựng theo nề nếp chính quy. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tử Phối, vẽ tranh Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế, Hoàng Thái Tử đến đây để học.
Các đời vua triều Lý đã lần lượt lập Văn Miếu thờ Thánh Nho (1070), mở khoa thi chọn Nho sĩ (1075), lập Quốc Tử Giám dạy Nho học (1076), đây là 3 sự kiện lớn. Qua đó, có thể thấy được các vua triều Lý đã chú ý đến tổ chức GD để đào tạo nhân tài. Đó là sự khẳng định và như lời tuyên bố với thiên hạ rằng định hướng phát triển GD, khuyến khích tinh thần hiếu học là tư tưởng chính thống, xuyên suốt của dân tộc (DT).
Nhà Trần (1225 - 1400) thay nhà Lý, GD càng được chú ý hơn. Nhà Trần đã tổ chức thi để chọn Cử nhân và Thái học sinh (Tiến sĩ) với những quy định chặt chẽ. Nhưng phải sang đến thời Lê Sơ (1428 - 1527), một giai đoạn cực thịnh của chế độ phong kiến VN, GD mới thật sự đi vào khuôn phép.
Từ năm Thiện Bình thứ 5 (1438) trở đi, cứ 3 năm có 1 khoa thi Hương ở các địa phương để lấy Sinh đồ và Hương cống. Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội. Những người đã đỗ Hương cống đều được thi Hội để chọn Tiến sĩ. Những vị này thường được dự kỳ điện thí trước vua, nội dung kỳ thi này là làm một bài văn sách bàn về phép dùng người, phép trị dân đời xưa.
Năm 1484, Lê Thánh Tông quy định thứ bậc của các sĩ tử đỗ trong kỳ thi hội là:
- Đệ nhất giáp: Tiến sĩ cập đệ, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
- Đệ nhị giáp (chánh bảng): Tiến sĩ xuất thân.
- Đệ tam giáp (phụ bảng): Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Những người đỗ đạt đều được khắc tên vào bia đá dựng ở Văn Miếu, được vua ban áo mũ và làm lễ vinh quy. Nếu 2 triều Lý - Trần tồn tại gần 400 năm chỉ mở 18 khoa thi Hội với 319 người đỗ Tiến sĩ thì trong 38 năm trị vì của Lê Thánh Tông, triều đình đã mở 12 khoa thi Hội, chọn được 514 Tiến sĩ. Lê Thánh Tông khuyến khích mở mang học hành, tạo đội ngũ quan lại mạnh “chọn người cốt lấy học rộng, thực tài… cho nên kẻ sĩ bấy giờ học được rộng rãi mà không cần phải tìm tỉ mỉ, tài năng được đưa ra ứng dụng mà không bỏ rơi. Trong nước không để sót nhân tài; triều đình không dùng lầm người kém”. Thời Lê Sơ là thời kỳ chế độ phong kiến đạt thịnh trị, GD, khoa cử được coi trọng và trở thành khuôn mẫu cho các vương triều sau.
Các vua đầu triều Lê đều quan tâm đặc biệt đến GD và thi cử. Thi hội, nhà vua đích thân ra đề văn sách, các đại thần làm đề điệu (đôn đốc việc tuần phòng, canh gác ngoài trường thi) và giám thị. Có nhiều hoạt động khuyến khích, động viên, khen thưởng người học giỏi, đỗ đạt. Các kỳ thi Hương tổ chức ở nhiều nơi cùng một lúc nên nhà vua xuống chiếu nhắc nhở thể lệ thi cử, quy định những kỷ luật cần thiết và cử quan hàn lâm đi làm khảo quan. Nhờ vậy đã lựa chọn được nhiều người có thực tài làm nòng cốt cho công cuộc xây dựng đất nước.
Nhà Mạc giành ngôi nhà Lê năm 1527. Từ năm 1553, cuộc chiến tranh giành ngôi báu của các thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn xảy ra quyết liệt. Trong điều kiện đó, sự nghiệp GD, trong đó có khuyến học và khoa cử vẫn được quan tâm nhằm tuyển chọn nhân tài cho vương nghiệp. Năm Kỷ Sửu 1529 đời Mạc Thái Tổ đã tổ chức khoa thi Tiến sĩ và quy định 3 năm 1 lần tổ chức 1 kỳ thi, ngay cả nhà Mạc dời lên Cao Bằng, nhà Mạc vẫn tổ chức thi để tuyển chọn hiền tài, thể hiện quyết tâm cao của nhà Mạc trong việc chọn nhân tài và khuyến khích tinh thần hiếu học của nhân dân ta. Nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi Tiến sĩ, chọn được 485 vị Tiến sĩ, trong đó có 11 Trạng nguyên.
Trong các triều Lê Trung Hưng, các chúa Nguyễn, Tây Sơn, xã hội phong kiến có nhiều biến động những việc học hành, khoa cử, khuyến học vẫn được quan tâm. Triều Tây Sơn dù ngắn ngủi về GD - khoa cử vẫn được coi trọng. Đây là vương triều đầu tiên chủ trương mở trường công tới tận thôn làng, những “Sinh đồ mua” trong khoa cử thời suy được sàng lọc, các bậc khoa bảng có tài của triều trước được trọng dụng, đó là: Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Vũ Huy Tấn, Ngô Thì Nhậm…
Dưới triều Nguyễn, dù đây là thời kỳ XH phong kiến suy tàn nhưng các vua đầu triều Nguyễn vẫn cố gắng xây dựng một XH ổn định, vững mạnh nên rất chú ý đến GD để đào tạo nhân tài. Gia Long đã nói: “Học hiệu là nơi chứa nhân tài, trẫm muốn bắt chước người xưa đặt nhà học để nuôi học trò ngõ hầu văn phong dấy lên, hiền tài đều nổi để cho Nhà nước dùng”. Năm 1807, Gia Long tổ chức khoa thi đầu tiên trong 6 trường từ Nghệ An trở ra, đến thời Minh Mệnh thì chế độ GD khoa cử đưa vào nề nếp hơn.
Ngay năm 1820, Minh Mệnh đã cho chỉnh đốn lại Quốc Tử Giám, đặt học quan, định phép thi, lấy sinh viên (SV), cấp học bổng ở định kỳ, còn ở các doanh, châu, huyện, Minh Mệnh cho tổ chức lại các trường học, trẻ con khi lên 7 - 8 tuổi bắt đầu đi học vỡ lòng ở trường làng. Sĩ tử trước khi đi thi phải đến châu, huyện học văn thì cho đến doanh trấn để đốc học dạy. Mỗi năm 2 lần, trường này tổ chức những kỳ thi gọi là khải khóa để chọn học trò đã tương đối thông thạo nghề văn chương cử tử mới được đi thi, những người xuất sắc thì không phải chờ kỳ thi mà được vào thẳng Quốc Tử Giám…
Dưới các triều đại phong kiến, nền GDVD chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo. Trong đó hiếu học là một đặc điểm nổi bật của Nho giáo. Học để làm quan, để làm người chân chính trong xã hội, học để có nghề nghiệp. Hiếu học ngày nay đã trở thành truyền thống của DT ta, đang được kế thừa và trân trọng.
Thời gian trị vì của các triều đại phong kiến VN dài ngắn khác nhau, song đều đã định lệ thi cử, học hành để động viên, tuyển chọn nhân tài, đó là một hình thức khuyến học, khơi dậy, động viên truyền thống hiếu học của DT ta, giúp cho tài năng được phát huy để phục vụ đất nước…
Trong giai đoạn đầu của chế độ thuộc địa (nửa sau thế kỷ XIX), thực dân Pháp để nguyên nền GD Nho học triều Nguyễn. Đến năm 1919, không còn các trường học chữ Hán, bãi bỏ các khoa thi Hương, thi Hội.
Hệ thống GDVN từ đó phỏng theo GD Pháp. Một số xã đông dân được mở trường sơ học gồm 1, 2 lớp đầu tiểu học, ở 1 số thị trấn, thị xã mở trườn tiểu học gồm năm học, 1 số thị xã lớn mở trường Cao đẳng tiểu học (THCS) gồm 4 năm học; chỉ ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn mới có 1 trường Cao trung (PTTH).
Những năm đầu thế kỷ XX, Pháp bắt đầu lập 1 số trường chuyên nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp. Năm 1908,1 số trường gộp lại gọi là ĐH Tổng hợp, nhưng thực chất mãi tới năm 1919 mới có Dự bị ĐH đầu tiên về Lý-Hóa-Tự nhiên. Năm 1923 chiêu sinh đào tạo Y khoa, năm 1941 mở ĐH Luật khoa, năm 1942 đào tạo Kỹ sư nông nghiệp, năm 1944 đào tạo Kỹ sư công chính… các trường này tập hợp tại thành ĐH Đông Dương (ĐD), tổng số SV năm 1939 - 1940 là 582 người.
Với sự phát triển GD còn nhiều hạn chế, què quặt như vậy đã đẩy nước ta đến kết quả là năm 1945 hơn 95% nhân dân mù chữ, đặc biệt là nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Chế độ thực dân Pháp đã thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm nòi giống ta suy nhược. Trong điều kiện ấy, do truyền thống hiếu học của dân tộc ta, các hoạt động khuyến học vẫn được phát huy trong các gia đình, dân tộc, làng xóm.
Phát huy truyền thống hiếu học, khuyến học của dân tộc ta, “muốn chấn hưng GD và nâng cao dân trí, thì không có con đường nào khác là học”. Từ đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã viết: “Nghĩ đến lý do chìm mất của nước ta, cớ khốn đốn của dân ta thì có 2 bệnh là: ngu dân và hèn yếu”. Vì vậy, năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội. Năm 1905, Cụ đưa học sinh sang Nhật học. Cụ đã viết bài: “Khuyến quốc dân tư trợ du vấn học”. Năm 1907, số học sinh du học sang Nhật là 100 người, năm 1908 lên tới 200 người. Tất cả học sinh đều sống bằng kinh phí do đồng bào trong nước gửi sang, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác.
Trong phong trào Duy Tân, 1 loạt trường học ra đời ở miền Trung, miền Bắc như: Trường Dục Thanh, trường Phú Lâm, trường Phước Bình, Đông Kinh nghĩa thục… mở mang dân trí, truyền bá tinh thần yêu nước, tinh thần độc lập trong thanh niên và nhân dân ta. Trong cao trào đấu tranh đòi quyền dân chủ từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh từ Pháp về đã diễn thuyết tại Hội Khuyến học Nam Kỳ ngày 25/1/1923 về lý tưởng của thanh niên và phong trào khuyến học, mở đầu cho trào lưu khuyến học ở Nam Bộ và nước ta.

                                                                    Thông tin CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG Số 11-2011
                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét