Tìm kiếm

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Những tấm gương Hiếu Học thời xưa

Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học. Những tấm gương hiếu học của ông cha phần lớn đã được ghi vào sử sách, song cũng có nhiều tấm gương ít được biết đến. Quá trình lịch sử hào hùng đấu tranh chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài, xuất thân mỗi người tuy khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần hiếu học. Đó là những tấm gương sáng để những thế hệ đời sau noi theo, việc học của họ đáng để chúng ta ngày nay phải suy ngẫm. Chính tinh thần hiếu học ấy, cộng thêm ý chí đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để học thành tài và đỗ đạt cao trong các kỳ thi. Nhưng hơn hết những tấm gương ấy cũng tự trau dồi và rèn luyện để trở thành những nhân cách đạo đức lớn, đã góp sức mình giúp dân, giúp nước và được sử sách lưu danh muôn đời như những người có công đối với dân tộc.


Một số tấm gương được giới thiệu trong bộ sách như: Khương Công phụ- Người đỗ tiến sỹ đầu tiên của nước ta; Nguyễn Hiền- Trạng nguyên 13 tuổi; Bảng nhãn Lê Văn Hưu- Nhà sử học nổi tiếng; Nguyễn Văn Nghi- Nhờ học thêm trong dân trở thành người giỏi, thầy dạy hai vua; Đồng Hãng- Cả gan đến cử quan đánh trống để xin tiền ăn học; Nguyễn Thực- Người học trò nghèo phải đi phu; Chú tiểu Nguyễn Kỳ dùi mài kinh sử; Đồng Đắc quyết chí học không để vợ bị nhục…

Nền tảng cho sự phát triển tài năng và đạo đức của những tấm gương ấy chính là những người thầy. Tôn sư trọng đạo cũng là một truyền thống đáng tự hào của dân tộc ta, trong số những tấm gương hiếu học có những người tâm huyết với nghề giáo và đã trở thành những người thầy vĩ đại đào tạo nên những nhân tài có nhân cách đạo đức lớn được lưu tiếng thơm muôn đời.


Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Những người thầy do tác giả nhà báo Nguyễn Hải tập hợp và biên soạn, nhằm giới thiệu những tấm gương sáng của những người thầy, những tấm lòng cao cả, những cốt cách vị tha nơi những nhà sư phạm mẫu mực, họ xứng đáng là những người anh hùng thầm lặng. Cuốn sách nêu được nhiều gương sáng với những câu chuyện sống động của các nhà giáo từ thời cựu học đến thời tân học. Nội dung sách gồm 2 phần:
* Thời cựu học: viết về Chu Văn An- Niềm tự hào của giáo giới Việt Nam; Nguyễn Bỉnh Khiêm- Nhà giáo lừng danh thiên cổ: Cao Bá Quát- Một tấm lòng cao cả; Nguyễn Đình Chiểu- Khuất đôi tròng mắt- Tròn một tấm gương; Phan Bội Châu- Người gieo mầm nền giáo dục mới……
* Thời tân học: viết về Giáo sư Dương Quảng Hàm- Nhà sư phạm mẫu mực; Ông giáo Hoài- Người vẽ cờ khởi nghĩa và lá cờ tổ quốc hôm nay; Đặng Thai Mai- Người thầy 60 năm đứng trên bục giảng- Bậc đại thụ văn Lâm- Nhà nhân văn chủ nghĩa; Nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…


Một dân tộc thông minh và hiếu học như dân tộc Việt Nam ta thì người thầy dù ở thời đại nào, chế độ nào cũng được tôn vinh. Nhân dân ta quan niệm: Người thầy trước hết là người tiếp thu đạo lý làm người của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Dạy học không chỉ là dạy chữ, mà còn phải là dạy đạo lý làm người. Cuốn sách có thể xem như là một bó hoa thơm được đưa tới nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhằm góp thêm vào việc tôn vinh nhà giáo, tôn vinh sự nghiệp trồng người và cũng là góp phần vào việc giáo dưỡng truyền thống Tôn sư trọng đạo.


Hai bộ sách Gương hiếu học thời xưa và Những người thầy là tài liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, quý thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy và học tập. Đồng thời cung cấp cho người đọc tư liệu và kiến thức về các nhân vật lịch sử Việt Nam để hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Mỗi người đọc có thể rút ra những kinh nghiệm, những bài học quý báu và những tấm gương cho riêng mình để noi theo, để rèn luyện mình. Suy ngẫm từ sách để có phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả hơn nhằm đạt đến mục đích chung là xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

1 nhận xét: