Tìm kiếm

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

TRUYỀN THỐNG HIỂU HỌC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM


Truyền thống hiếu học của dân tộc ta đã được hình thành từ lâu đời do “các bậc thánh đế minh vương không ai không coi trọng việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia coi đó là công việc cần kíp”. Truyền thông hiếu học cũng đã được bồi đắp củng cố trong nhân dân bằng các điều khoản trong ''lệ làng'' phép nước'' thể hiện trong các chính sách sử dụng và đãi ngộ của các triều đại đối với các nhà khoa bảng. ''Lệ làng'' thể hiện trong việc khuyến khích, giúp đỡ người theo học thành tài và đề cao họ trong làng xóm. Lệ làng và phép nước bố sung cho nhau, cùng khuyến khích việc học tập làm cho truyền thống hiếu học càng tô đậm.

Hương ước các làng trước đây thường truyền miệng sau đó được ghi bằng chữ Nôm và đến đầu thế kỷ XX được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Các hương ước đều đã được sửa chữa bổ sung nhiều lần theo sự phát triển của xã hội phần lớn những hương ước còn tồn tại đến ngày nay là của những năm 20 của thế kỷ XX khi thực dân Pháp đề ra việc cải lương hương chính trong nông thôn, được gọi là hương ước,khoán ước, hương khoán, hương biến, hương lệ, khoán lệ hay tục lệ... Thông thường trong các hương ước có nhiều điều khoản về mực hình, mục hộ, mục chính trị tổ chức làng xóm, mực phong tục tập quán... Bên cạnh phần tiêu cực hạn chế phản ánh quan hệ giai cấp trong xã hội, duy trì ách áp bức thống trị của địa chủ cường hào và tính bảo thủ trì trệ lạc hậu của nông thôn thời trung cổ, các hương ước cũng có những mặt tích cực như bảo vệ an ninh làng xã bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo vệ thuần phong mỹ tục và phát triển văn hoá giáo dục...

Hương ước xã Tử Vi huyện Tiên Dung (nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh) năm 1915 có 55 điều thì có 21 điều liên quan đến học tập, quy định các việc dựng trường mở lớp, đặt học điền, trách nhiệm của gia đình và thầy giáo, việc khen thưởng các học sinh học giỏi, thi đỗ. Hương ước làng Dã Lê Thượng xã Thuỷ Phương, huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên Huế) soạn năm Duy Tân thứ 6 (19/1) gồm 24 điều có những điều quy định đặt lễ mừng, tiền thưởng và ruộng đất xứng đáng cho những người đỗ đạt mang vinh dự về cho làng. ''Con trai, từ 7, 8 tuổi trở lên.. lấy trung, hiếu làm đầu'', đó là mục đích khuyến học.

Hương ước làng Phúc Xá (tổng Phúc Lâm huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông nay thuộc Hà Nội) soạnnăm 1923, điều thứ 5 ghi mục học chính:

“Nhà nào có con từ 6,7 tuổi trở lên, bất cứ hạng nào cũng phải cho con ra trường học. Những nhà túng quá, cho con đi học mà không thể lấy tiền đâu được, thời tường (trình) với tộc biểu họ mình để làm giấy nhận thực trình Hội đồng, toà Hội đồng xét thực thì sẽ cấp giấy bút cho 3 năm. Học trò nào học hết 3 năm rồi phải thi, xem hễ có tư cách thông minh có thể ra trường tỉnh học được, thì bố mẹ em ấy phải cho đi học, không được bắt con bỏ học mà làm việc khác. Nếu nhà nào nghèo khổ, không thể cho con đi học ở tỉnh được, sau xét thực ra thì dân sẽ cấp tiền cho trẻ ấy ra tỉnh học.

Người nào đã được tiền cấp mà không siêng năng học hành để có nốt xấu thì dân không tư cấp nữa mà lại phải bồi số tiền ấy trả dân. Nếu không trả dân thì dân sẽ ghi tên học trò ấy vào sổ, trước khi muốn mua ngôi thứ gì trong dân thì phải chồng số tiền ấy trả dân đã”.

Hương ước làng Nhật Tân (huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông nay thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội) soạn năm 1921 (thông qua tri huyện Hoàn Long, tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu) điều 102 quy định: ''Dạy trẻ con có học thức phổ thông là nghĩa vụ người làm phụ huynh, không ai được từ, làng mở một trường ấu học để dạy trẻ con trong làng''. Điều 103: ''Thường năm, đân trích tiền công chi tiêu việc trường và trả lương thầy giáo''. Điều 105: ''Làng lấy tiền công mua bút giấy cấp cho những con nhà nghèo mà hội đồng xét không thể mua được''.

Nhiều hương ước cũng quy định việc miễn giảm sưu sai, tạp dịch cho những người đi học. Hương ước các làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương) làng Ba Khê (tổng Đa Ngưu huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên) làng Dương Phố (Thanh Chương, Nghệ An), làng Bàng Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Đông cũ)... đều quy định miễn sưu sai, tạp dịch... cho những người hiếu học đã được khảo hạch ở làng.

Khoán ước làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) quy định cụ thể ở khoản 5: ''Khi làng khảo hạch, nếu ai làm bài đạt hạng ưu thì được trừ công dịch một năm, hạng bình được trừ nửa năm, hạng thứ trừ ba tháng. Còn những người chưa đến tuổi việc quan mà đậu thì làng tuỳ theo hạng mà thưởng giấy bút cho...''

Trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cũng nói đến truyền thống hiếu học của làng xã: ''Các làng mộ văn học, cứ mỗi năm, hội hết học trò trong làng, khảo một kỳ gọi là khảo tiến ích. Dân làng bầu cử một vài ông khoa mục xét xem ai học giỏi, ai học kém, hễ ai giỏi thì dân có thưởng. Lại có nơi tuần phu đi tuần trong làng, hễ ai có con đi học mà không nghe làng học đêm thì dân làng bắt phạt. Các cách ấy đều có ý cổ vũ cho người ta phải chăm học hành''.

Nhằm đề cao những người đỗ đạt, làng xã cũng đặt họ ở ngôi hạng cao nhất trong làng. Hướng ước làng Nhật Tân trong mục Thứ vị trong làng, điều 135 quy định: ''Làng làng, ai đỗ Cử nhân, Tiến sĩ, làng tôn chiếu thứ nhất, ngồi trên chức sắc.Đồng thời với việc đề cao thứ vị, hương ước cũng quy định người đỗ đạt phải khao vọng. Điều 80 hương ước làng Nhật Tân quy định: ''Người nào đỗ Cử nhân, Tiến sĩ thời dân tôn lên bậc thứ nhất, không lấy tiền khao. Còn người nào đỗ Cao đẳng văn bằng, Tú tài hay là có bằng Thông ngôn và Thành chung muốn vọng vào chiếu chức sắc thời phải nộp cho làng lo đồng để xung công quỹ. Ai đỗ được Sơ học tất nghiệp thời nộp cho làng 6 đồng...''Điều lệ làng Phúc Xá cũng quy định: ''Những người thi đỗ văn bằng Sơ học (certifcat prlmaire), trung học (diplôme eomplémentaire ét brevet élémentaire) được phép trình dân, nộp vào công quỹ 5 đồng và được trừ tuần tráng.Hương ước làng Câu Hoan (xã Hảo Thiện huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị) cho biết làng đặt 6 mẫu ruộng học để dùng vào việc rước thầy dạy cho lứa tuổi học trò trong vòng 3 năm đầu để cho có trình độ khoá sinh''. Học trò nghèo chăm học đi thi được làng cấp lộ phí tiền và gạo.

Tinh thần cộng đồng tư tưởng ''làng ta'' cũng được thể hiện rất rõ trong những quy định đón rước “vinh quy bái tổ” trong nhiều hương ước.

Ngày nay, khi chúng ta nhận định''giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là chìa khoá để mở cửa tiến vào tương lai'' (Đỗ Mười), Luật phổ cập giáo dục tiểu học đã được Quốc hội thông qua ngày 12-8-1991 khẳng định giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí, ''luật nước'' đã quy định rõ việc khuyến học bắt buộc đến một trình độ nhất định, còn ''lệ làng'' cũng cần phải theo kịp, thúc đẩy truyền thống hiếu học, hỗ trợ cho luật nước. Các tổ chức quỹ hỗ trợ học đường, quỹ khen thưởng, quỹ trợ cấp học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ tài năng trẻ... đã được thành lập để góp phần vào việc ''trồng người'' nhưng cũng chưa được là bao. Ở miền xuôi, nhiều trẻ em phải bỏ học ra thành phố làm các việc vặt làng nền kinh thế thị trường, ở miền núi, các trường dân tộc nội trú cũng chưa đáp ứng được việc phổ cập giáo dục tiểu học cho toàn quốc trước năm 2000. Đối với các sinh viên đại học tập trung ở các trung tâm văn hoá giáo dục, con em nông dân và các tỉnh xa gặp rất nhiều khó khăn cũng chưa được làng xã và các tổ chức xã hội, đoàn thể quan tâm giúp đỡ vượt khó đúng mức nên nhiều tài năng chưa có điều kiện phát triển. Mong sao phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong các hương ước thuở xưa, nhân dân ta sẽ có nhiều biện pháp thiết thực giúp đỡ cho việc học tập của các học sinh giỏi để có nhiều nhân tài góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta được nhanh chóng trong công cuộc hội nhập vào khu vực và thế giới.
         ( Nguồn: http://haivanchan.violet.vn/entry/show/entry_id/4918714 )

1 nhận xét: