Tìm kiếm

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ - Nguyễn Đình Thi



I. Nêu vấn đề
1. Tác giả:
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, soạn kịch, viết lí luận phê bình. Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được viết vào năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến. Đây là lúc chúng ta xây dựng một nền văn học nghệ thuật mới đậm đà tính dân tộc, đại chúng, gắn bó với cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân.
2. Bố cục: Gồm ba phần:
a. Phần đầu: “Tác phẩm nghệ thuật… một cách sống của tâm hồn”
à Nêu nội dung của văn nghệ.
Luận điểm: Cùng với thực tại khách quan, nội dung của văn nghệ còn là nhận thức mới mẻ, là tất cả tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm văn nghệ lớn là một cách sống của tâm hồn, từ đó thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ.
b. Phần hai từ “Chúng ta nhận rõ… văn nghệ là sự sống”.
à Sự cần thiết của văn nghệ đối với con người.
Luận điểm: Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết đối với cuộc sống của con người, nhất là những con người bị “tù chung thân” trong cuộc đời u tối.
c. Phần còn lại.
à Sức mạnh cảm hóa kì diệu của văn nghệ đối với con người.
Luận điểm: Văn nghệ có khả năng cảm hóa, sức mạnh lôi cuốn của nó thật kì diệu bởi nó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới mỗi con người qua những rung cảm sâu xa tự trái tim.
3. Chủ đề
Sức mạnh, khả năng kì diệu của văn nghệ đối với đời sống con người.

II. Phân tích
1. Nội dung phản ánh của văn nghệ
a. Tác phẩm văn nghệ lấy chất liệu từ thực tại đời sống nhưng không sao chép thực tại. Khi sáng tạo tác phẩm, người nghệ sĩ gởi vào đó một cách nhìn, một lời nhắn nhủ của mình nên nội dung tác phẩm không chỉ là hiện thực khách quan mà còn là tư tưởng tấm lòng của nhà nghệ sĩ.
b. Tác phẩm văn nghệ không phải là những lời thuyết lí khô khan mà là tiếng nói sinh động bởi nó chứa đựng những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phẫn khích của nhà nghệ sĩ. Nó mang đến cho chúng ta bao rung động, bao ngỡ ngàng trước những điều tưởng chừng rất quen thuộc, đặc biệt, nó giúp ta tự phát hiện ra mình có thể làm chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách sống.
c. Kết luận: Khác với khoa học khám phá các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội, văn nghệ tập trung khám phá tính cách, số phận, thế giới bên trong của tâm hồn con người. Hiện thực trong tác phẩm văn nghệ là hiện thực mang tính cụ thể sinh động qua cái nhìn và tình cảm của nhà nghệ sĩ. Đó là nội dung chủ yếu của văn nghệ.
2. Sự cần thiết của văn nghệ đối với con người
a. Khi con người bị ngăn cách với cuộc sống, văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời bên ngoài, với những sự sống, những hoạt động, những vui buồn gần gũi.
b. Văn nghệ góp phần làm tươi mát cuộc sống khắc khổ hằng ngày, giúp cho con người biết rung cảm và ước mơ khi cuộc đời còn lắm vất vả, cực nhọc.
3. Sức mạnh cảm hóa kì diệu của văn nghệ đối với con người.
a. Sức mạnh riêng của văn nghệ bắt nguồn từ nội dung của nó và con đường mà nó đến với người đọc, người nghe.
Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng thái độ, tình cảm của con người. Tư tưởng của nghệ thuật là tư tưởng thấm đẫm cảm xúc. Thông qua con đường cảm xúc, tình cảm, tác phẩm văn nghệ lay động tâm hồn, tác động vào nhận thức của người đọc.
Đến với một tác phẩm văn nghệ, chúng ta càng được sống cùng cuộc sống miêu tả trong đó, được yêu ghét, vui buồn, chờ đợi cùng các nhân vật. Nghệ thuật đốt lửa trong lòng người thôi thúc con người hành động.
b. Văn nghệ góp phần giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình và góp phần xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội.
4. Nghệ thuật
a. Bố cục chặt chẽ, hợp lí, cách dẫn dắt tự nhiên.
b. Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng về thơ văn, về đời sống thực tế để khẳng định, thuyết phục các ý kiến, nhận định, để tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm.
c. Giọng điệu chân thành, say sưa, đầy nhiệt huyết.

III. Tổng kết
            Ghi nhớ (SGK)

2 nhận xét: